Site icon LPE Ho Chi Minh

CÁC BƯỚC CHÍNH ĐỂ TẬP CHO BÉ NGỒI BÔ

CÁC BƯỚC CHÍNH ĐỂ TẬP CHO BÉ NGỒI BÔ

TÔN TRỌNG NHỊP SINH HỌC CỦA TRẺ

Để tập cho bé ngồi bô đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và một chút tâm tạng tốt! Thông thường, một đứa trẻ học cách tự đi vệ sinh từ lúc 2 đến 4 tuổi, nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng nhịp sinh học của trẻ khi trẻ bắt đầu việc học này.

Khi nào con của tôi sẵn sàng?

Để tập cho bé ngồi bô một cách hiệu quả, trước tiên bé cần phải học cách kiểm soát các cơ thắt của mình. Chỉ khi khoảng 2 tuổi, trẻ em mới có thể cảm nhận được rằng các cơ quan của mình đã bị “đầy”. Vai trò của cha mẹ không phải là “dạy dỗ” mà là hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ trong suốt quá trình học cách tự đi vệ sinh. Để sử dụng thành công chiếc bô, con của bạn phải sẵn sàng về mặt sinh lý và hơn hết là về mặt tâm lý. Do đó, điều quan trọng là phải tin tưởng chúng.

Một số dấu hiệu như:

  • Trẻ tự đi đến gần bô và ngồi trên đó một mình.
  • Trẻ tự cởi một phần quần áo mà không cần sự giúp đỡ của bạn.
  • Tã vẫn khô ráo trong nhiều giờ.
  • Trẻ sẽ nói với bạn khi tã bị bẩn (ví dụ : « tè », « ị »).
  • Trẻ tò mò về vấn đề này (ví dụ: đặt gấu bông ngồi lên bô, thích những câu chuyện về tính sạch sẽ).

6 BƯỚC CHÍNH TẬP CHO BÉ NGỒI BÔ

1/ Không ép buộc trẻ
Độ tuổi thành thạo việc tự đi vệ sinh là khác nhau đối với mỗi trẻ. Do đó, hãy tránh thiết lập độ tuổi mà bạn cho rằng con nên được tập tự đi vệ sinh. Thay vào đó, hãy đợi trẻ có những dấu hiệu rằng chúng đã sẵn sàng, sau đó tiếp tục theo nhịp sinh học của trẻ.

2/ Lựa chọn thời điểm thích hợp đối với con của bạn
Không có thời điểm lý tưởng cho việc học cách tự đi vệ sinh, tuy nhiên, nên bắt đầu vào khoảng thời gian yên tĩnh ở nhà (ví dụ: tránh khi dọn nhà hoặc khi có em trai hoặc em gái).

3/ Cho trẻ làm quen với cách sử dụng bô
Đặt bô của trẻ gần nhà vệ sinh và giải thích cho trẻ hiểu rằng nó dùng để làm gì. Sau đó, thử cho trẻ ngồi trên đó, khi trẻ vẫn mặc quần áo đầy đủ hoặc để gấu bông của trẻ ngồi trên đó. Lúc đầu, nó sẽ giống như một trò chơi! Hãy khuyến khích trẻ làm giống bạn khi trẻ muốn đi tiểu hoặc đi ị. Khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ thử làm!

4/ Thiết lập thói quen
Dần dần, hãy cho trẻ ngồi bô vào các giờ đều đặn: khi thức dậy, sau bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, cũng như trước khi ngủ trưa, trước khi tắm và trước khi đi ngủ, nhưng không quá 5 phút. Tránh cho trẻ sử dụng đồ chơi hoặc sách khi đang ngồi bô để trẻ tập trung cảm nhận các cơ thắt của mình. Nếu không có gì xảy ra, hãy để trẻ quay lại chơi mà không tỏ ra thất vọng hay đưa ra nhận xét gì.

5/ Chuyển sang sử dụng quần lót
Nếu con của bạn bắt đầu sử dụng bô thường xuyên, hãy ngừng đóng bỉm cho con trong ngày. Từ đó, trẻ sẽ có động lực để giữ quần lót bằng vải hoặc quần tập đi vệ sinh của mình khô ráo hơn. Cho bé mặc quần áo dễ cởi và thường xuyên nhắc bé đi bô. Ở độ tuổi của trẻ, việc chúng quên làm là điều bình thường, đặc biệt là khi chúng đang mải chơi, vì vậy đừng quá chú trọng vào những lỗi nhỏ mà hãy nâng cao lòng tự trọng của trẻ bằng cách khích lệ trẻ lại một lần nữa và nhắc về những thành công của chúng.

6/ Bỏ bỉm hoàn toàn
Trẻ vẫn sạch sẽ suốt cả ngày và bỉm vẫn khô sau nhiều giờ ngủ trưa? Đây là thời điểm bỏ bỉm. Sau đó, áp dụng phương pháp tương tự cho ban đêm. Đến lúc đó, ngay cả khi bạn đã quấn tã cho trẻ đi ngủ, hãy khuyến khích con gọi bạn nếu muốn đi bô trong thời gian ngủ trưa hoặc tối.

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

LƯU Ý!

  • Bố mẹ nên khuyến khích, chuẩn bị về mặt thể chất và tâm lý khi tập cho bé ngồi bô.
  • Đừng ép trẻ tập tự đi vệ sinh mà hãy theo dõi nhịp sinh học của trẻ và tin tưởng trẻ.
  • Nếu trẻ tè hoặc ị vào quần lót, đừng la mắng hay phạt chúng. Khi đó, nếu cần, trẻ cũng có thể bắt đầu lại việc mặc tã mà không cảm thấy xấu hổ.

Nguồn: Sinh ra và lớn lên
Đánh giá khoa học: TS Anne-Claude, Bernard-Bonnin, bác sĩ nhi khoa / Nghiên cứu và viết: Nhóm Sinh ra và lớn lên

Exit mobile version